Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng động lực và kết quả công việc có liên hệ mật thiết với nhau, nếu một người làm việc có động lực thì hiệu suất công việc sẽ cao và ngược lại không có hứng thú thì chất lượng công việc sẽ giảm sút. Trong trường hợp nhân sự không hứng thú làm việc, bạn phải tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.
Các nhà lãnh đạo không chỉ là người quản lý các đầu việc, hiệu quả, năng suất, khen thưởng, kỷ luật… mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và khơi gợi động lực cho nhân viên của mình. Nếu nhân viên không hứng thú làm việc, bạn phải là người tìm ra nguyên nhân tại sao từ đó đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.
Nguyên nhân khiến nhân viên không hứng thú làm việc
Mỗi người có tính cách khác, sở thích, đặc điểm, sở trường, vị trí công việc…. không giống nhau. Bỗng dưng một ngày bạn thấy nhân sự của mình bộc lộ thái độ “uể oải” thì đã đến lúc bạn phải đi tìm gốc rễ của căn bệnh.
Những đóng góp không được công nhận
Khi những đóng góp, nỗ lực, đề xuất, ý kiến… của nhân viên không được ghi nhận thậm chí bị dìm xuống thì họ sẽ cảm thấy bản thân không được tôn trọng, không có tiếng nói, không có chỗ đứng ở nơi làm việc. Lâu dần gây ra cảm giác chán nản, không muốn cống hiến hoặc nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.
Môi trường làm việc không lý tưởng
Thử tưởng tượng một môi trường làm việc không công bằng, cạnh tranh không lành mạnh, thường xuyên ghen ghét đố kỵ, hãm hại nhau, nịnh bợ thiên vị tràn lan thì liệu nơi đó có phù hợp để phát triển lâu dài? Chắc chắn cảm giác chán ghét, mệt mỏi, khó chịu sẽ sinh ra và tất yếu người lao động không có động lực để cống hiến cho công ty.
Lương thưởng, chế độ không xứng đáng
Trong suốt quá trình làm việc, lương thưởng, phúc lợi, các chế độ luôn là vấn đề được nhân sự quan tâm hàng đầu. Khi nhân viên cống hiến hết mình, nỗ lực nhằm tạo ra thành quả tốt nhất và mang lại nguồn lợi cao cho công ty nhưng mọi thứ đều không được đền đáp như mong muốn của họ. Càng ngày họ càng mất động lực làm việc, không còn nhiệt huyết vì công ty nữa. Đến một thời điểm, nhân sự sẽ rời bỏ doanh nghiệp để tìm một môi trường mới tốt hơn.
Mất động lực làm việc do kết quả làm việc
Sau một hoặc vài lần thất bại do không làm đúng deadline, không đạt được hiệu quả hay chỉ tiêu KPI đề ra, nhân sự bỗng cảm thấy chán nản và không biết tại sao kết quả lại không như họ mong muốn. Từ đó họ bị bế tắc trong công việc, luôn tìm cách trốn tránh hoặc cảm thấy bản thân mình vô dụng.
Cách quản lý của lãnh đạo
Vì là người quản lý trực tiếp, đôi khi bạn không đánh giá đúng thực lực, không có kế hoạch đào tạo rõ ràng cho từng người, khen thưởng xử phạt chưa chính xác …… rất dễ khiến cho nhân viên rơi vào trạng thái chán nản, bất mãn, không hứng thú làm việc, hiệu suất công việc giảm sút rõ rệt từng ngày, không có sự cố gắng cải thiện kết quả tốt hơn.
Ngoài ra thì một số cảm xúc tiêu cực, thiếu tự tin, sự ghen tỵ, ganh ghét thiệt hơn cũng là những nguyên nhân làm cho nhân viên mất động lực làm việc ở nơi công sở.
Các cách giúp nhân viên lấy lại hứng thú làm việc
Không nên để đến lúc ung nhọt vỡ ra mới tìm cách chữa trị. Hãy bắt đầu ngay khi tình trạng không hứng thú làm việc mới bắt đầu.
Tạo cơ hội & khuyến khích
Mỗi nhân viên đều mong muốn bản thân mình được cống hiến và thành quả của mình được đền đáp xứng đáng. Do đó mỗi khi bắt tay vào thực hiện một công việc, bạn cần biết cách tạo ra nhiều cơ hội để nhân viên được bộc lộ năng lực của bản thân đồng thời khuyến họ phát triển sở trưởng tiềm ẩn bên trong.
Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh
Môi trường làm việc hay văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ chân nhân viên cũng như thúc đẩy năng suất công việc. Vì thế hãy xây dựng một môi trường lành mạnh, vui vẻ, công bằng ngay từ việc nhỏ nhất như chấm công, check in, check out hàng ngày. Ưu tiên lựa chọn những ứng dụng chấm công, app quản lý công việc, phần mềm nhân sự, ứng dụng xây dựng văn hóa nội bộ doanh nghiệp, ứng dụng chơi team building trên điện thoại….
Khuyến khích sự tự tin
Để nhân viên có nhiều sự tự tin, bạn có thể: Xây dựng và phân công công việc từng bước với độ khó tăng dần; phân chia các dự án phức tạp thành nhiều công việc nhỏ; dành lời khen tặng kịp thời. Một lời động viên đúng lúc sẽ giúp nhân viên thấy rằng họ đang đánh giá sai về khả năng của bản thân mình và giúp họ làm việc với tâm thế tự tin hơn.
Nhà lãnh đạo cần đối xử công bằng
Một trong những giải pháp tốt nhất giải quyết vấn đề nhân sự không hứng thú làm việc nằm ở nhà lãnh đạo. Bạn cần có sự công bằng trong công việc, khen thưởng, xử phạt và ngay trong chính các mối quan hệ hằng ngày để nhân viên luôn luôn có cảm giác họ được đối xử công bằng, bình đẳng.
Khi đi tìm gốc rễ của vấn đề tại sao nhân sự không hứng thú làm việc, bạn sẽ biết cách giải quyết triệt để đồng thời tích lũy thêm cho mình nhiều kinh nghiệm hay trong lĩnh vực quản lý nhân sự.