Là một nhân viên mới đi làm, chắc hẳn bạn sẽ còn nhiều bỡ ngỡ và thắc mắc cần tìm lời giải đáp. Bắt đầu ngay với 5 điều cần nhớ trong văn hóa đối ứng công sở dưới đây để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên và đồng nghiệp nhé!
Văn hóa đối ứng công sở là gì?
Văn hóa đối ứng công sở hay nói cụ thể hơn chính là văn hóa ứng xử với công việc, con người trong môi trường văn phòng công sở. Có thể bao quát ngắn gọn với các mối quan hệ như giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau, giữa con người với công việc,…
5 điều cần nhớ trong văn hóa đối ứng công sở
Luôn luôn ứng xử đúng mực với cấp trên
Khi mới bắt đầu đi làm, ghi điểm và xây dựng thiện cảm trong mắt cấp trên là điều mà mọi người thường hướng tới. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trong mọi tình huống giao tiếp với cấp trên, bạn luôn phải giữ thái độ bình tĩnh, đặc biệt là sự tự tin khi trình bày những quan điểm của mình. Những lúc gặp bất đồng với sếp về quan điểm hay công việc, hãy cư xử thật khéo léo và góp ý một cách tế nhị nhất.
Học cách tôn trọng đồng nghiệp
Đồng nghiệp là những người mà bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc và hợp tác trong công việc. Vậy nên, mối quan hệ ấy cần được xây dựng dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, giúp cả hai bên tìm được tiếng nói chung và đạt được các mục tiêu đề ra.
Đặc biệt trong một mối quan hệ, nếu bạn xây dựng được tình cảm, ấn tượng tốt ngay từ phút ban đầu thì sẽ rất có ích cho quá trình về sau. Vì thế, dù bạn là một nhân viên mới, hãy luôn xem đồng nghiệp của mình như là những người bạn đồng hành, cùng nhau chia sẻ công việc và tận hưởng thành công nhé!
Phải có chính kiến của riêng mình
Trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là công việc hay cuộc sống thì bạn đều nên có chính kiến riêng của riêng mình, không nên quá thụ động, “gió chiều nào theo chiều đấy”. Hãy tìm hiểu thật rõ vị trí và những công việc mà bạn đang làm, tránh tình trạng “ai bảo gì làm nấy”. Điều đó đòi hỏi bạn phải có một tiến trình làm việc thật rõ ràng, cụ thể cho mình.
Bên cạnh đó, cần học cách tránh những đề nghị không phù hợp với chuyên môn để không làm tốn thời gian cũng như công sức mà chính bạn bỏ ra. Bạn biết đấy, một ngày nhân viên công sở phải dành đến tận 8 tiếng để làm việc tại văn phòng. Vì thế phải tận dụng tối ưu quỹ thời gian đó. Đừng “ôm đồm” quá nhiều việc hoặc nhận quá nhiều lời nhờ vả từ đồng nghiệp mà bạn cảm thấy không phù hợp. Hãy tập cách nói lời từ chối thật khéo léo và tế nhị nhất có thể nhé!
Hạn chế “tán gẫu” trong giờ làm việc
Một “bài toán” đơn giản là bạn đi làm văn phòng để kiếm tiền với 8 tiếng/ngày, nhưng tổng thời gian bỏ ra để tán gẫu, nói chuyện phiếm lên đến 4 tiếng. Do đó, công ty có doanh thu thấp, bạn nhận được ít tiền hơn và cũng không thể nâng cao năng lực của chính mình.
Đặc biệt, việc tán gẫu quá nhiều sẽ làm bạn mất điểm trong mắt cấp trên và khiến cho đồng nghiệp ngán ngẩm. Đừng biến mình thành “bà tám” công sở trong khi thật ra còn một núi công việc cần giải quyết. Hãy hạn chế tán gẫu trong giờ làm việc, chỉ nên đưa ra những tình huống trò chuyện khi cần thiết, những lúc rảnh rỗi hoặc trong các dịp bonding của công ty.
Tích cực tham gia vào các hoạt động của công ty
Là một nhân viên mới, bạn nên tích cực tham gia vào các hoạt động do bộ phận nhân sự, công đoàn công ty tổ chức. Đây sẽ là lúc bạn xây dựng các mối quan hệ, trò chuyện cởi mở hơn, tìm hiểu thêm về văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp và khám phá được những điều thú vị từ chính những người đồng nghiệp của mình.
Bạn thấy đấy, văn hóa đối ứng không chỉ là những câu nói, cử chỉ mang tính xã giao mà chứa đựng trong nó là cả một quá trình xây dựng, trải nghiệm và học hỏi. Mong rằng 5 điều cần nhớ dành cho nhân viên mới đi làm trên đây sẽ giúp bạn có một khởi đầu thật thành công nhé!